Sau 2 ngày được phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn, sức khỏe của anh V.V.S (46 tuổi, ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã ổn định, vết mổ khô, bụng mềm, ăn uống đi lại bình thường và được xuất viện. 

 

  ThS.BS Nguyễn Thế Sáng - Phó trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu thăm khám cho người bệnh S ngày thứ 2 sau mổ

Thông tin từ gia đình người bệnh cho hay, anh S xuất hiện khối sa bẹn trái đã từ lâu, lúc lên lúc xuống và ngày càng to dần. Thời gian gần đây, mức độ sa thường xuyên, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt nên đã vào viện khám. Sau khi được các bác sỹ khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu cho làm các xét nghiệm và chụp chiếu cần thiết, các bác sỹ phát hiện khối sa bẹn trái của người bệnh S có kích thước 2x3 cm và chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi đặt lưới hoàn toàn ngoài phúc mạc (còn gọi là TEP). Đây là một trong hai phương pháp mổ nội soi tối ưu hiện nay đối với các bệnh lý thoát vị bẹn với các ưu điểm: đường mổ nhỏ, người bệnh ít đau sau phẫu thuật; nhanh phục hồi; an toàn, hiệu quả, ít biến chứng; tính thẩm mỹ cao. Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong ổ bụng (như ruột, mạc nối lớn) rời khỏi vị trí của mình chui qua lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Cơ chế bệnh sinh của thoát vị bẹn là do sự mất cân bằng giữa áp lực bên trong ổ bụng và cơ chế giữ kín thành bụng, làm phúc mạc qua vùng yếu của thành bụng đội ra ngoài kéo theo nội tạng bên trong.

Vết mổ thoát vị bẹn ngày thứ 2 của người bệnh S

Khi mắc thoát vị bẹn, người bệnh có cảm giác nặng nề, tăng áp lực lên phần chậu. Triệu chứng đặc trưng nhất là xuất hiện khối phồng vùng bẹn. Khối phồng này to lên, gây đau nhói, khó chịu khi làm việc nặng, rặn, chạy, nhảy,... và biến mất khi nằm, nghỉ ngơi. Thoát vị bẹn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất là thoát vị nghẹt, gây hoại tử ruột, mạc treo ruột.

Hiện nay tại khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện trung ương Thái Nguyên đã triển khai thường quy hai kỹ thuật mổ đối với bệnh lý thoát vị bẹn là nội soi đặt lưới ngoài phúc mạc đi qua ổ bụng (TAP) và nội soi đặt lưới hoàn toàn ngoài phúc mạc (TEP). Sơ bộ đánh giá kết quả qua 25 bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi đặt lưới điều trị thoát vị bẹn cho thấy: Thời gian nằm viện trung bình là 3,3 ngày (giảm từ 2 - 5 ngày so với mổ mở); mức độ đau nhẹ sau mổ chiếm tới gần 85%. Đặc biệt, đây là phương pháp phẫu thuật có thể triển khai khi phẫu thuật mổ mở có tái phát./.