Thời gian qua, tại Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện TW Thái Nguyên phát hiện rất nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp khi khối u còn rất nhỏ ( ≤ 1cm) nhờ bệnh nhân tích cực đi khám, tầm soát cùng với phương tiện, trình độ chuyên sâu của các bác sĩ ngày một được nâng cao. Ghi nhận từ tháng 9/2022 - 9/2023 tại Trung tâm Ung Bướu có gần 100 người bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú, tuy là u nhỏ nhưng có tới 62% u đã xâm lấn ra bao vỏ tuyến giáp và 27,1% có di căn hạch.
Ảnh minh họa
Các nghiên cứu chỉ ra nhóm có triệu chứng, có di căn hạch tỷ lệ tái phát 30%, tỷ lệ sống thêm là 74,1% trong 10 năm, trong khi nhóm không triệu chứng, không di căn hạch tỷ lệ tương ứng sau 10 năm là 3% và 100%.
Trước thực trạng trên, việc chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú khi u còn nhỏ rất quan trọng, nội dung này đã được BSCK II. Hoàng Thanh Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu chia sẻ dưới đây:
1. Chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú
Khi khối ung thư tuyến giáp còn nhỏ thường không có triệu chứng, khó phát hiện qua thăm khám lâm sàng, phát hiện và chẩn đoán chủ yếu dựa vào sự kết hợp giữa siêu âm và xét nghiệm tế bào học (FNA).
Theo nghiên cứu của Anil Gopinathan và cộng sự (2011) về đặc điểm trên siêu âm của nhóm có tổn thương u >5mm đến 10mm có tỷ lệ biểu hiện các đặc điểm nghi nghờ cao như bờ không đều, vi vôi hóa, tăng sinh mạch, xâm lấn phá vỡ vỏ tuyến cao hơn so với nhóm có kích thước < 5mm. Như vậy siêu âm hoàn toàn có thể đánh giá được chi tiết các đặc điểm của khối u kể cả kích thước nhỏ, tất nhiên cũng phụ thuộc vào chất lượng máy siêu âm, trình độ và kinh nghiệm của người thực hiện.
Chọc hút kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn siêu âm với ưu điểm kĩ thuật đơn giản, độ xâm lấn tối thiểu, có độ nhậy và mức độ tương đồng cao với kết quả giải phẫu bệnh, giá trị FNA dưới hướng dẫn siêu âm không phụ thuộc vào kích thước u, không có sự khác biệt giữa u < 1cm và u >1cm. Đối với u tuyến giáp nhỏ < 1cm, FNA chỉ khuyến cáo thực hiện khi có triệu chứng lâm sàng, siêu âm phát hiện hạch bệnh lý và bệnh nhân không có điều kiện theo dõi định kỳ bằng siêu âm. Tuy vậy bản thân kích thước u không thể là yếu tố độc lập tiên lượng độ ác tính, FNA nên được chỉ định nếu tổn thương có các đặc điểm như khối đặc giảm âm kết hợp với các đặc điểm sau: vi vôi hoá, kích thước chiều cao hơn chiều rộng, bờ không đều hoặc tua gai (Shin Jung Hê, 2016).
2. Điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú khi u nhỏ < 1cm
Lựa trọn cách thức điều trị còn nhiều tranh luận nhưng khuyến cáo điều trị dựa trên y học bằng chứng của những tổ chức như ATA hoặc ETA đều có chung quan điểm rằng phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật
2.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật vẫn là điều trị nền tảng cho ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú khi u nhỏ < 1cm, có nhiều phương pháp phẫu thuật:
- Phương pháp cắt thuỳ eo giáp là lựa chọn phẫu thuật được ưu tiên cho các trường hợp u < 1cm có nguy có cơ thấp theo quan điểm hầu hết các hiệp hội trên thế giới. Đây là can thiệp ít xâm lấn, tỷ lệ biến chứng thấp, bảo tồn được chức năng nội tiết của tuyến giáp nên bệnh nhân ít phụ thuộc vào liệu pháp hormon, đảm bảo chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật cao hơn.
- Phương pháp cắt giáp toàn bộ tuyến giáp sẽ ưu tiên cho những trường hợp nghi ngờ tổn thương đa ổ, di căn hạch trên lâm sàng, u xâm lấn ra ngoài tuyến giáp, di căn xa để giảm tỉ lệ tái phát, di căn.
- Nạo vét hạch trong ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú khi u nhỏ < 1cm: Mặc dù tiên lượng của nhóm bệnh nhân này là rất tốt tuy nhiên những trường hợp di căn hạch, đặc biệt là nhóm hạch cổ trung tâm khá phổ biến tỷ lệ từ 12% - 64% ( Lee Kwan, 2011). Di căn hạch cổ được xem như yếu tố tiên lượng xấu cho khả năng tái phát tại chỗ và thời gian sống thêm.
2.2.Iod phóng xạ
Điều trị Iod phóng xạ được chỉ định cho các trường hợp ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú tuy u nhỏ < 1cm nhưng có di căn hạch cổ hoặc tổn thương xâm lấn ra ngoài tuyến.
2.3. Điều trị đốt sóng cao tần (RFA)
RFA đang được sử dụng điều trị bệnh nhân u tuyến giáp lành, gần đây RFA được sử dụng điều trị vi ung thư tuyến giáp (u nhỏ < 1cm) nguy cơ thấp (không có di căn xa, không xâm lấn bao giáp nằm gọn trong nhu mô giáp, không có bằng chứng di căn hạch, không có tiến triển mô học, không có xâm lấn mạch máu – việc này đòi hỏi phải đánh giá kỹ). Tuy vậy theo tiêu chuẩn điều trị thì những bệnh nhân này nằm trong nhóm bệnh nhân có thể theo dõi chủ động không phải can thiệp gì.
Các nghiện cứu ở Châu Á với tổng số 1770 bệnh nhân được đưa vào phân tích tổng hợp thời gian theo dõi trung bình 33 tháng. Kết quả thấy 79% bệnh nhân vi ung thư tuyến giáp (mPTC) trải qua RFA đã biến mất hoàn toàn ung thư trên siêu âm, 1,2 % bệnh nhân còn tồn tại mPTC được xác nhận bằng FNA, 1,5% bệnh nhân mPTC vẫn phát triển, 0,9 % BN có tổn thương mới, 0,4 % đã phát triển di căn hạch. Các biến chứng RFA thay đổi giọng nói tạm thời 0,17%, rối loạn nhịp tim (tạm thời) 0,17%. Về theo dõi ngắn hạn đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn hiệu quả. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào báo cáo hiệu quả có đối chứng với các phương pháp theo dõi chủ động, phẫu thuật cắt thuỳ, eo tuyến giáp. Chưa có nghiên cứu nào báo cáo theo dõi thời gian tái phát, sống thêm không bệnh và sống thêm toàn bộ. Một hạn chế nữa là RFA không lấy được bệnh phẩm để xét nghiệm mô bệnh học.
2.4.Theo dõi chủ động
Theo dõi chủ động được áp dụng cho mPTC nguy cơ thấp ( Nốt đơn độc, ranh giới rõ, được bao quanh bởi mô giáp lành trên siêu âm, không xâm lấn ra ngoài tuyến giáp không có bằng chứng di căn) được theo dõi bởi đội ngũ đa chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phẫu thuật tuyến giáp có kinh nghiệm./.