Phospho có vai trò rất quan trọng trong tế bào như tham gia cấu tạo màng tế bào, dự trữ năng lượng, vận chuyển các chất trong tế bào, đặc biệt phospho còn có vai trò trong sản xuất ATP, là chất cần thiết cho mọi hoạt động của tế bào. Phospho tham gia cấu tạo ADN, ARN, giúp cho hồng cầu sản xuất 2, 3 diphosphoglycerat cần cho quá trình giải phóng oxy từ hemoglobin.
Khoảng 85% lượng phospho trong cơ thể được dự trữ ở xương dưới dạng hydroxyapatile, dạng phospho này đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của xương. Khoảng 15% lượng phospho được dự trữ ở mô mềm, chỉ khoảng 0,1% tồn tại ở dịch ngoại bào và được xác định bằng nồng độ phospho trong máu.
Khi thừa phospho máu có thể gây ra các tổn thương cơ tim, tổn thương phổi, rối loạn chức năng hồng cầu, bạch cầu; giảm phospho máu làm giảm khả năng thực bào của bạch cầu dẫn đến tình trạng dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng cơ hội….Vì vậy, việc định lượng phospho đóng vai trò quan trọng cho các bác sỹ lâm sàng phát hiện kịp thời tình trạng thiếu hoặc thừa phospho trong máu từ đó có biện pháp điều trị kịp thời đề phòng các biến chứng do thiếu hoặc thừa phospho gây ra.
* Trị số bình thường
Nồng độ phospho bình thường ở người trưởng thành 0,81-1,45 mmol/L (2,5-4,5 mg/dL). Nồng độ phospho ở trẻ sơ sinh cao hơn người trưởng thành ~50%, ở trẻ em cao hơn người trưởng thành ~30%.
* Chỉ định định lượng phospho máu:
- Sau phẫu thuật;
- Còi xương;
- Thiếu vitamin D;
- Hội chứng kém hấp thu;
- Sử dụng thuốc hạ phospho;
- Ngộ độc vitamin D;
- Cường cận giáp trạng;
- Sau ghép thận, bệnh thận mạn tính;
- Tiêu cơ vân;
- Đột quị tim;
Đối với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính được khuyến cáo định lượng phospho như sau:
- Suy thận mạn giai đoạn 3 xét nghiệm 12 tháng/lần
- Suy thận mạn giai đoạn 4 xét nghiệm 03 tháng/lần
- Suy thận mạn lọc máu chu kỳ xét nghiệm 01 tháng/lần
- BN dùng thuốc hạ phospho xét nghiệm 02 tuần/lần
Định lượng phospho là một xét nghiệm đơn giản, dễ làm, được tiến hành trên hệ thống máy tự động hoàn toàn của hãng Olympus(Nhật Bản). Do vậy, kết quả có độ chính xác và ổn định rất cao. Chỉ cần lấy 3 ml máu tĩnh mạch vào ống máu chuyên dụng (chống đông bằng heparin hoặc không có chất chống đông) gửi đến phòng xét nghiệm Sinh hóa. Sau 1- 2h là có kết quả, giúp các bác sỹ lâm sàng chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và theo dõi sát diễn biến bệnh lý cho người bệnh bị các rối loạn do thiếu hoặc thừa phospho gây ra.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, khoa Sinh hóa đã có đội ngũ cán bộ được đào tạo và làm chủ kỹ thuật này để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện.