Tại Việt Nam, ung thư vú đứng đầu trong nhóm ung thư hay gặp ở phụ nữ
UTV là một trong những bệnh ung thư tiến triển chậm, có tiên lượng tốt, thời gian sống kéo dài nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ tiến bộ trong chẩn đoán, sàng lọc phát hiện sớm cũng như trong điều trị bệnh mà thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư vú càng ngày càng được cải thiện.
Căn cứ vào tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết của ung thư vú, xác định nguy cơ cho ung thư vú rất có giá trị lâm sàng. Có rất nhiều các yếu tố nguy cơ của ung thư vú đã được phát hiện, bao gồm các yếu tố về gen, môi trường và lối sống. Một số yếu tố có thể thay đổi được, một số yếu tố thì không.
Nguy cơ của ung thư vú được phân loại như sau:
* Các yếu tố có nguy cơ cao nhất đối với ung thư vú:
- Tuổi trên 65
- Tăng sản không điển hình của tuyến vú (có bằng chứng của mô bệnh học)
- Mang đột biến gen di truyền: BRCA1, BRCA2, TP53, ATM, CDH1
- Ung thư biểu mô thể ống hoặc thể thùy tại chỗ (DCIS/LCIS)
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư buồng trứng ở tuổi trẻ (<50 tuổi)
- Nhiều người thân ở thế hệ thứ nhất bị ung thư vú.
- Tiền sử tiếp xúc với xạ trị ion hóa trước 30 tuối.
- Tiền sử bản thân ung thư vú trước 40 tuổi sẽ là yếu tố nguy cơ cho ung thư vú đối bên.
*Các yếu tố có nguy cơ cao:
- Cường Estrogen hoặc Testosteron nội sinh (sau mãn kinh)
- Sinh con đầu sau 35 tuổi.
- Mật độ nhu mô tuyến vú rất đặc.
- Một người trong họ hàng ở thế hệ thứ nhất được chẩn đoán ung thư vú
- Bệnh tăng sinh tuyến vú (ví dụ tăng sản ống không điển hình)
- Có đột biến di truyền một số gen như: CHEK 2, PTEN
* Các yếu tố nguy cơ thấp hơn:
- Nghiện rượu.
- Sinh con lần đầu ở độ tuổi từ 30-35.
- Có mẹ sử dụng Diethylstilbestrol khi mang thai.
- Có kinh sớm (<12 tuổi)
- Chiều cao lớn (> 160cm)
- Thuộc tầng lớp có điều kiện kinh tế xã hội ở mức cao.
- Người Do Thái.
- Tiền sử bản thân ung thư vú sau 40 tuổi.
- Mật độ nhu mô tuyến vú đặc
- Bệnh lành tính tuyến vú: tăng sản tuyến vú không phải dạng không điển hình, u xơ tuyến vú, bệnh tuyến xơ hóa, u nhú tuyến vú, sẹo nan hoa.
- Không nuôi con bú
- Không sinh con
- Mãn kinh muộn (>55 tuổi)
- Đái tháo đường type II
- Béo phì (sau mãn kinh)
- Tiền sử bệnh tử cung, buồng trứng hoặc đại tràng
- Tiền sử dùng hormon thay thế có thành phần estrogen và progestin trong thời gian gần đây.
- Tiền sử dùng thuốc tránh thai đường uống trong thời gian gần đây.
- Nghề nghiệp: làm việc ca đêm
- Nghiện thuốc lá
- Ít vận động
- Sức khỏe tim mạch kém
- Mật độ khoáng của xương cao
* Các yếu tố làm giảm nguy cơ ung thư vú:
- Người châu Á, Người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, chủng tộc sống ở đảo thuộc Thái Bình Dương
- Nuôi con bú
- Sinh con đầu trước 20 tuổi
- Sử dụng Tamoxifen
- Phẫu thuật dự phòng ung thư vú
- Tiền sử ung thư cổ tử cung
- Tiền sử phẫu thuật cắt buồng trứng
- Vận động thường xuyên
- Mật độ khoáng của xương thấp
Có nhiều mô hình giúp đánh giá nguy cơ ung thư vú dựa trên các yếu tố tiền sử bản thân hay tiền sử gia đình, trong đó mô hình Tyrer–Cuzick được đánh giá có độ chính xác ổn định cao nhất. Mô hình này được sử dụng để tính toán khả năng mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2. Nó giúp tính toán khả năng phát triển ung thư vú ở nữ giới trong 10 năm và trong suốt cuộc đời của họ. Công cụ giúp đưa ra những quyết định về việc tư vấn làm các xét nghiệm về gen. Nếu mô hình dự đoán một người có 10% hoặc cao hơn khả năng mang đột biến gen BRCA1, BRCA2 hoặc cả hai thì sẽ được tư vấn làm xét nghiệm về gen. Mô hình tính toán dựa trên những yếu tố nguy cơ như tuổi, chỉ số BMI, tuổi có kinh, tiền sử sản khoa, tuổi mãn kinh, tiền sử bệnh lành tính tuyến vú làm tăng nguy cơ ung thư vú (quá sản, quá sản không điển hình, ung thư thể thùy tại chỗ), tiền sử ung thư buồng trứng, sử dụng hormon thay thế, tiền sử gia đình (bao gồm ung thư vú, chủng tộc là người Do Thái, tiền sử về xét nghiệm gen nếu có).